Vô sinh không có tinh trùng do tắc

Vô sinh không có tinh trùng là gì?

Vô sinh không có tinh trùng là tình trạng vô sinh do nguyên nhân tại người chồng không có tinh trùng (vô tinh) trong tinh dịch. Nghĩa là tinh dịch xuất ra chỉ có thành phần tinh tương chứ không có tinh trùng.

Bình thường tinh hoàn được coi là nhà máy để sản xuất ra tinh trùng. Dưới tác động của hệ nội tiết trong cơ thể, từ một tế bào mầm ban đầu, trải qua quá trình sinh tinh gồm 3 giai đoạn cơ bản, trở thành những chú tinh trùng trưởng thành. Khi xuất tinh, tinh trùng cùng với các dịch tiết từ ống dẫn tinh, túi tinh, và tuyến tiền liệt (gọi là tinh tương), được vận chuyển ra ngoài qua hệ thống đường dẫn tinh. Như vậy tinh dịch xuất ra ngoài gồm hai thành phần là tinh tương và tinh trùng. Bình thường phần tinh tương chiếm từ 90- 95% thể tích tinh dịch xuất ra ngoài. Tinh tương có nguồn gốc từ túi tinh (60-67%), tuyến tiền liệt (20- 30%) và tuyến hành niệu đạo (dưới 1%).

Người ta chia vô tinh ra 3 nhóm: Nhóm vô tinh do rối loạn nội tiết tố (nguyên nhân trước tinh hoàn), nhóm do rối loạn quá trình sinh tinh (do tổn thương tại tinh hoàn hay còn gọi là suy sinh dục tiên phát), và nhóm do rối loạn sự vận chuyển tinh trùng ra ngoài (nguyên nhân sau tinh hoàn).

Vô tinh là một trong các trường hợp khó chẩn đoán nguyên nhân, khó điều trị và tỉ lệ thành công không cao. Bệnh chiếm khoảng 2% trong nam giới nói chung và khoảng 15% trong số những người nam giới vô sinh. Tại Phòng khám Nam học – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, do đây là một trong các tuyến điều trị cuối cùng, các ca khó thường tập chung về đây nhiều hơn nên tỉ lệ bệnh cao hơn chiếm khoảng 20 – 25 % trong số cặp vô sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng người ta thường phân biệt vô tinh do tắc hay vô tinh không do tắc.

Vô tinh do tắc là tình trạng nhà máy vẫn hoạt động tốt nên vẫn sản xuất ra các chú tinh binh khỏe mạnh nhưng do tắc nghẽn ở chỗ nào đó trên đường dẫn tinh làm cho tinh dịch không có tinh trùng. Vô tinh do tắc chiếm khoảng 5% tổng số các trường hợp vô sinh nói chung.

Vô tinh không do tắc là tình trạng nhà máy bị ngừng trệ hoặc bị hư hỏng nên không thể sản xuất được tinh binh làm cho tinh dịch không có tinh trùng trong khi đường dẫn tinh vẫn thông thoáng. Vô tinh không do tắc chiếm khoảng 10% tổng số các cặp vô sinh.

Chẩn đoán vô tinh do tắc như thế nào?

Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (2010), chỉ được chẩn đoán vô tinh sau khi làm tinh dịch đồ làm ít nhất 2 lần khác nhau, và cách nhau một tháng. Nếu kết quả tinh dịch đồ không có tinh trùng thì cần phải quay ly tâm mẫu tinh dịch rồi lấy lớp cặn đó soi dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn nếu không thấy tinh trùng thì mới được kết luận là vô tinh (Azoospermia).

Vô tinh cần phân biệt với các trường hợp không có tinh dịch. Không có tinh dịch hay còn gọi là giao hợp khô, đó là tình trạng không có phần tinh tương nên thể tích tinh dịch xuất ra ngoài rất ít hoặc không.

Chẩn đoán xác định vô tinh do tắc hay không do tắc dựa vào sự có mặt của tinh trùng trong dịch chọc hút từ mào tinh hoàn hay từ tinh hoàn, hoặc dựa vào sinh thiết tinh hoàn.

Để có được dịch hút người ta thường tiến hành các thủ thuật chọc hút mào tinh hoàn qua da (PESA) hoặc chọc hút tinh hoàn qua da (TESA). Dịch hút ra từ các vị trí này sẽ được soi tìm tinh trùng nếu có tinh trùng thì chẩn đoán do tắc, nếu không thấy tinh trùng thì chẩn đoán là rối loạn quá trình sinh tinh.

Về bản chất, PESA và TESA là các quá trình chọc mò qua da để vào mào tinh hoặc tinh hoàn nên không thể xác định chính xác được các ống mào tinh, ống sinh tinh vốn có kích thước rất nhỏ. Quá trình chọc hút có thể gây tổn thương nặng nề tinh hoàn và mào tinh hoàn, làm cho tinh hoàn và mào tinh hoàn bị xơ hoá, hàng rào máu tinh hoàn bị phá vỡ và sinh ra kháng thể kháng tinh trùng. Sự tổn thương tinh hoàn sẽ làm cho việc lấy tinh trùng ở những lần sau để làm ICSI (Thụ tinh trong ống nghiệm – tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) khó khăn hơn và làm giảm tỉ lệ thành công của phẫu thuật nối thông đường dẫn tinh.

Chính vì lý do này mà tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không nên tiến hành các thủ thuật PESA hoặc TESA chỉ vì mục đích chẩn đoán. Cần phải trữ đông ngay những mẫu tinh trùng tìm thấy sau lần đầu chọc hút đầu tiên. Do vậy, những cơ sở không có khả năng làm ICSI ngay hoặc không có ngân hàng tinh trùng thì không nên tiến hành các thủ thuật này.

Nguyên nhân nào gây nên tình trạng vô tinh do tắc?

Có 3 vị trí hay tắc trên đường dẫn tinh là mào tinh, ống dẫn tinh, và ống phóng tinh (đoạn ống dẫn tinh nằm trong tuyến tiền liệt).

Các nguyên nhân gây tắc đường dẫn tinh có thể do mắc phải ( nhiễm khuẩn, viêm, chấn thương vùng bìu, sau phẫu thuật) cũng có thể do bẩm sinh ( bất sản mào tinh, bất sản ống dẫn tinh, nang bầu dục tuyến tiền liệt).

Các nguyên nhân mắc phải thường gặp nhất là các viêm nhiễm đường sinh dục, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hai tác nhân gây viêm nhiễm đường sinh dục phổ biến nhất là Chalamydia trachomatis và lậu cầu khuẩn. Đứng hàng thứ 2 trong số các nguyên nhân mắc phải là các phẫu thuật vùng bẹn bìu sinh dục như phẫu thuật thoát vị bẹn, thắt ống phúc tinh mạc, bóc nang mào tinh hoàn, và thắt ống dẫn tinh triệt sản….

Các nguyên nhân bẩm sinh gây tắc đường dẫn tinh hay gặp là bội chứng bất sản ống dẫn tinh, phân li ống dẫn tinh mào tinh. Đây là những bệnh lý di truyền liên kết nhiễm sắc thể thường do đột biến gen CF gây nên. Ngoài ra, nang bầu dục tuyến tiền liệt cũng là một nguyên nhân không hiếm gặp.

Điều trị vô tinh do tắc như thế nào?

Mục tiêu lớn nhất của các biện pháp điều trị là giúp cho các cặp vợ chồng có được chính những em bé của mình. Để đạt được điều này cần phải phối hợp đồng bộ hai công đoạn chính trong phác đồ điều trị là tìm tinh trùng để thực hiện hỗ trợ sinh sản và khâu nối phục hồi lại sự lưu thông của đường dẫn tinh.

Theo khuyến cáo của hội Niệu khoa châu Âu (EAU) cũng như hội niệu khoa Hoa Kỳ (AUA), nên tiến hành phối hợp giữa việc phục hồi lưu thông đường dẫn tinh với việc lấy tinh trùng từ mào tinh hoàn qua kính vi phẫu (MESA) cho những bệnh nhân tắc ống dẫn tinh mào tinh có tinh trùng trưởng thành ở mào tinh. Những trường hợp không thể nối được thì chỉ thực hiện MESA hoặc MicroTESE (vi phẫu tìm tinh trùng từ tinh hoàn). Tinh trùng thu được có thể tiến hành tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) ngay hoặc cũng có thể trữ đông để làm ICSI về sau. Phẫu thuật vi phẫu có ưu điểm tuyệt đối so với các phương pháp chọc mò do được thực hiện với sự trợ giúp của kính hiển vi hiện đại.

Tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phẫu thuật MESA để trữ đông tinh trùng và nối ống dẫn tinh vào mào tinh hoàn vi phẫu được tiến hành đồng thời. Đây là một phẫu thuật được tiến hành thường qui để điều trị cho các bệnh nhân vô tinh do tắc. Bằng phương pháp này đã mang lại cơ hội lớn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn tưởng chừng như vô vọng có được được những đứa con yêu dấu của chính mình. Một số cặp khác may mắn hơn đã có con tự nhiên mà không cần phải nhờ đến biện pháp ICSI sau 3 đến 6 tháng phẫu thuật.

Nếu như trước đây, các cặp vợ chồng hiếm muộn do vô tinh được coi là những trường hợp vô phương cứu chữa thì ngày nay nhờ vào những hiểu biết về nguyên nhân, cơ chế gây bệnh cũng như những tiến bộ của y học trong lĩnh vực chẩn đoán, phẫu thuật và hỗ trợ sinh sản đã mang lại cơ hội lớn cho họ để có những đứa con yêu dấu của mình. Điều căn bản là người bệnh cần bình tĩnh, sáng suốt tìm đến các cơ sở y tế có uy tín để được chẩn đoán và điều trị một cách hợp lí, tránh những can thiệp không đáng có vào tinh hoàn dẫn đến làm nặng thêm tình trạng bệnh và mất đi cơ hội lấy tinh trùng và nối thông về sau.

ThS. Nguyễn Hoài Bắc

Bệnh Viện Đại học Y Hà Nội

(2016-07-09)

(2016-02-27)

(2015-05-15)

(2015-05-06)