Bệnh lậu và những nguy hại của nó đến sức khỏe sinh sản

Bệnh lậu chủ yếu lây qua đường nào và biểu hiện khác nhau ra sao giữa hai giới?

Bệnh lậu chủ yếu lây nhiễm qua con đường tình dục nhưng cũng có thể lây gián tiếp qua quần áo, chăn đệm, đồ ngủ, khăn mặt, bồn tắm, bô và cả tay bị ô nhiễm.

Niệu đạo nam giới dài hơn nữ giới, vì thế bệnh lậu ở nam giới biểu hiện rầm rộ hơn ở nữ. Niệu đạo nam giới có chiều dài từ 14-16cm, được chia thành hai phần gồm niệu đạo trước và niệu đạo sau, ngăn cách nhau bởi cơ thắt niệu đạo. Niệu đạo trước có nhiều hang, nhiều ngõ ngách, đó là nơi trú ẩn của lậu cầu. Niệu đạo sau càng phức tạp hơn, cũng có nhiều ngóc ngách, xuyên qua tuyến tiền liệt, thông với túi tinh, ống dẫn tinh, mào tinh và tinh hoàn.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua niệu đạo, do vi khuẩn cư trú ở các tế bào biểu mô trụ ở niêm mạc đường tiết niệu, gây phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhân đến để thực bào, từ đó trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, được thoát ra ngoài theo nước tiểu, màu trắng hơi vàng gọi là tiểu ra mủ. Vi khuẩn tiếp tục phát triển và đi dọc theo chiều dài của niệu đạo, đi đến đâu gây viêm đến đó như: viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh, viêm tinh hoàn….

Ở phụ nữ thường có biểu hiện viêm đường niệu, viêm tuyến bên cạnh đường niệu và viêm tuyến tiền đình lớn do khuẩn lậu. Do đường niệu ở nữ giới ngắn, rất dễ cảm nhiễm cầu khuẩn bệnh lậu. Nhưng niêm mạc âm đạo của nữ giới có sức đề kháng rất cao nên bệnh lậu ở nữ giới thường ít biểu hiện viêm ở âm đạo, chỉ có lỗ cổ tử cung là thường hay bị cảm nhiễm.

Các biểu hiện có thể thấy: lỗ đường niệu và lỗ tiền đình lớn có thể sung huyết, khi ấn thấy đau và có mủ tiết ra. Tiểu tiện nhiều lần, tiểu buốt đau, nóng ở mực độ nhẹ hơn nam giới.

Triệu chứng toàn thân cũng có thể có sốt, mệt mỏi.

Ở bé gái, do nhiễm từ mẹ hoặc từ người chăm bị bệnh lậu có thể có các biểu hiện là chất tiết ra ở âm đạo tăng nhiều, có lúc ra màu vàng xanh, âm hố sưng tấy đỏ. Chất tiết có thể chảy ra cả hậu môn dẫn đến triệu chứng kích thích, viêm trực tràng. Trẻ bị bệnh thường quấy khóc, ngồi xổm khó khăn, người cồn cào,…

Các bé gái thường bị lây nhiễm qua con đường gián tiếp. cũng có một số ít bé gái bị lây nhiễm do phải chịu đựng ngược đãi tình dục. Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc do cầu khuẩn bệnh lậu đa phần là lây nhiễm khi qua sản đạo của người mẹ. Phụ nữ trong thời gian mang thai mà mắc bệnh lậu có thể làm lây nhiễm đến nhau thai và lây nhiễm cho cả thai nhi.

Những người mắc bệnh lậu có biểu hiện bệnh lậu có giống nhau?

Vì bệnh lậu có thể thấy xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào do các nguyên nhân lây nhiễm khác nhau, chủ yếu tập trung ở những người tuổi trung niên và thanh niên trong độ tuổi hoạt động tình dục. Trên lâm sàng, do đặc điểm giải phẫu bộ máy sinh dục nam và nữ khác nhau nên có các biểu hiện khác nhau. Ngoài ra do có sự khác biệt về thể chất, điều trị nên thường có các biểu hiện khác nhau.

Các giai đoạn của bệnh

Thời gian nung bệnh trung bình từ 3-5 ngày, có thể kéo dài 2-3 tuần, thời gian nung bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng và thời gian càng dài thì bệnh càng nhẹ hơn.

Giai đoạn cấp tính: Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân thấy ngứa, nhồn nhột ở đường tiểu, sau vài giờ đến 2 ngày thấy tiết dịch trong ở miệng lỗ sáo, sau đó đục dần rồi thành mủ, màu vàng hoặc xanh. Hai mép miệng lỗ sáo đỏ, sưng nề, khi đi tiểu bệnh nhân có cảm giác nóng rát, tiểu buốt, tiểu dắt. Đau, buốt khi đi tiểu, mủ chảy ra ngày càng nhiều

Toàn thân bệnh nhân có thể sót nhẹ, mệt mỏi, đau mình mẩy.

Giai đoạn mạn tính: giai đoạn cấp tính nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, các triệu chứng trên có thể sẽ giảm dần nhưng vi khuẩn vẫn còn và chuyển sang giai đoạn mạn tính. Vi khuẩn từ niệu đạo trước xâm nhập sâu dần đến các tuyến và niệu đạo sau để tiếp tục sinh sôi và phát triển, các triệu chứng trên sẽ mất dần, chỉ còn lại tiểu ra giọt đục vào buổi sáng và tăng lên khi lao động nặng, thức khuya, uống rượu bia.

Lậu có thể xuất hiện ở họng hoặc trực tràng vì hành vi giao hợp cho nên những trường hợp viêm họng kéo dài hoặc đại tiện nhầy mủ kéo dài mà điều trị thông thường không khỏi thì phải nghĩ đến có thể do lậu. Một số trường hợp có thể gây biến chứng viêm khớp hoặc viêm da do vi khuẩn lậu gây nên.

Lậu ở trẻ sơ sinh: trẻ bị viêm kết mạc do tiếp xúc với ở âm đạo của mẹ bị nhiễm lậu lúc sinh, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 21, mắt trẻ bị sưng phù, đỏ và có mủ vàng. Tình trạng này có thể phòng bằng nhỏ mắt với dung dịch Nitrat bạc lúc sinh.

Những người bị bệnh lậu tái phát nhiều lần có thể dẫn đến hẹp đường niệu, một số ít người hẹp cả ống dẫn tinh, thậm chí là tắc nghẽn đường ống dẫn tinh gây vô sinh do tắc nghẽn.

Nguyên tắc điều trị

Do lậu cầu cứ 15 phút lại phân chia một lần nên bệnh tiến triển rất nhanh, cần được điều trị sớm. Điều trị cho cả bạn tình, điều trị cho nữ bao giờ cũng dùng thuốc và thời gian gấp đôi so với nam giới. Chỉ được kết luận là khỏi bệnh khi cấy 2 lần liên tiếp âm tính.

Do khi mắc bệnh, người bệnh thường mắc phối hợp nhiều vi khuẩn khác như: Chlamydia, tụ cầu,… và tỉ lệ kháng thuốc hiện nay rất cao nên khi nghi ngờ bị bệnh bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng thuốc và đủ liều, tránh những biến chứng đáng tiếc của bệnh có thể gây nên.

Nếu điều trị đúng thuốc và đủ liều thì các triệu chứng có thể giảm nhanh sau 24-48h; các triệu chứng chung sẽ hết hẳn sau 5-7 ngày.

Đứng trước những nguy hại của các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói riêng và bệnh lậu nói chung, bạn nên có lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn để hạn chế tối đa nhiễm bệnh.

Phác đồ điều trị lậu mới nhiều ưu điểm

Tháng 7/2013 tại hội thảo của Hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu bệnh lây qua đường tình dục ở Vienna (Áo) dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) và Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) đã đưa ra hai phác đồ điều trị mới đầy hứa hẹn cho lậu cầu kháng thuốc lây bệnh qua đường tình dục. Phác đồ 1 gồm gentamycin dạng tiêm kết hợp với azithromycin dạng viên. Phác đồ 2 gồm gemifl oxacin dạng viên kết hợp với azithromycin dạng viên.

Hai phác đồ điều trị lậu cầu này được các nhà khoa học Mỹ thực hiện trên hơn 400 đàn ông và phụ nữ tuổi từ 15 – 60 nhiễm lậu chưa được điều trị với bất kỳ thuốc nào trước đó. Phác đồ 1 đem lại hiệu quả 100% lành bệnh lậu ở cơ quan sinh dục trong khi phác đồ 2 chỉ hiệu quả ở 99,5% bệnh nhân. Riêng nhiễm lậu ở họng và trực tràng thì hiệu quả lành bệnh là 100% ở cả hai phác đồ điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân than phiền các phản ứng phụ khó chịu như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.

Hai phác đồ điều trị mới này vẫn không thay đổi phác đồ điều trị hiện tại với bệnh lậu với những trường hợp chưa kháng thuốc. CDC khuyến cáo duy nhất một phác đồ điều trị hàng đầu là ceftriaxone ở dạng tiêm kết hợp với một trong hai kháng sinh dạng uống khác đó là azithromycin hoặc doxycycline. Phác đồ điều trị này có hiệu quả cao và ít phản ứng phụ. Một kháng sinh khác là cefi xime dạng viên đã mất hiệu quả trong việc chữa các bệnh lây qua đường tình dục. Đầu năm 2013, các thầy thuốc Canada cho biết, họ đã nghiên cứu gần 300 bệnh nhân bị bệnh lậu được chữa trị với cefi xime với tỷ lệ thất bại gần 7%. Tháng 8/2012, CDC khuyên các thầy thuốc ngưng dùng cefi xime để chữa lậu, thay vào đó là dùng ceftriaxone. Tuy nhiên, các thầy thuốc có thể dùng 2 phác đồ điều trị mới nêu trên để thay thế trong trường hợp không dùng ceftriaxone được, ví dụ bị dị ứng.

Theo CDC, để phòng ngừa lậu cầu, khi sinh hoạt tình dục nên dùng bao cao su thường xuyên và đúng cách, hạn chế số lượng bạn tình.

(2015-09-18)

(2015-09-15)

(2015-01-13)

(2014-12-13)