Són tiểu khi gắng sức, một bệnh lý cần được quan tâm điều trị

Són tiểu khi gắng sức, són tiểu khi gắng sức hay tiểu không tự chủ khi gắng sức là các thuật ngữ khác nhau để mô tả chung một tình trạng thoát nước tiểu ra ngoài không theo ý muốn  mỗi khi có tăng áp lực trong ổ bụng như ho, hắt hơi, vận động mạnh hay thay đổi tư thế đột ngột….

Bệnh tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, giao tiếp xã hội cũng như khả năng lao động. Đối tượng thường mắc là phụ nữ sau độ tuổi sinh sản. Theo thống kê khoảng 40% các chị em phụ nữ trên dưới tuổi 40 mắc bệnh này.

Mặc dù tỉ lệ mắc bệnh tương đối cao nhưng số chị em phụ nữ được tư vấn điều trị lại rất ít do tâm lí ngại ngần xấu hổ. Theo thống kê ở Mỹ chỉ có khoảng 20% chị em phàn nàn với bác sỹ của mình về hiện tượng này.

Cơ chế gây bệnh và các yếu tố liên quan

Bình thường nước tiểu được cơ thể sản xuất ra sẽ được tích trữ trong bàng quang, khi thể tích nước tiểu lên tới 350 ml sẽ gây ra những cảm giác buồn tiểu đầu tiên khi thể tích nước tiểu tăng lên đến 500 ml sẽ gây cảm giác cực buồn tiểu (cảm giác mót tiểu).

Cũng trong trạng thái bình thường nước tiểu được giữ trong bàng quang mà không bị trào ra ngoài ngay cả khi có tăng áp lực trong ổ bụng như vận động mạnh, ho, hắt hơi, thay đổi tư thế là nhờ vào các yếu tố sau:

Hệ thống cơ thắt cổ bàng quang, là một cơ hình vòng tròn xung quanh niệu đạo, có tác dụng thắt lại để nước tiểu không rò són ra ngoài và cơ thành bàng quang (cơ Detrusor), giúp bàng quang giãn to ra để có thể chứa được nước tiểu

.

 

Các cấu trúc nâng đỡ niệu đạo bao gồm các cơ nâng hậu môn, cơ niệu đạo các cơ tầng sinh môn, các dây chằng, lớp tổ chức liên kết và niêm mạc niệu đạo. Bình thường, cấu trúc này được ví như một chiếc võng, là cấu trúc nâng đỡ toàn bộ niệu đạo của bàng quang, để niệu đạo tạo nên áp lực thắng áp lực trong bàng quang. Bất kỳ lý do nào làm “cái võng” suy yếu, mất khả năng nâng đỡ sẽ khiến niệu đạo bị sa xuống, không tạo được áp lực đủ lớn thắng áp lực trong bàng quang, khiến nước tiểu có thể són ra bất cứ lúc nào, không kiểm soát được

Các cấu trúc nâng đỡ này được ví như một chiếc võng có tác dụng nâng đỡ niệu đạo và cổ bàng quang. Mỗi khi có tăng áp lực trong ổ bụng, toàn bộ niệu đạo và cổ bàng quang nằm cố định trên giá đỡ này và giúp nó chống lại áp lực đang gia tăng trong ổ bụng làm cho cổ bàng quang không mở ra.

Són tiểu khi gắng sức sẽ xẩy ra khi cấu trúc nâng đỡ này bị suy yếu làm cho áp lực trong bàng quang lớn hơn áp lực trong niệu đạo dẫn đến cơ cổ bàng quang mở ra, tiểu không tự chủ xuất hiện.

Nguyên nhân của sự suy yếu cấu trúc nâng đỡ ở phụ nữ thường được cho là do Có hai nguyên nhân gây suy yếu tầng sinh môn của chị em. Thứ nhất là các sang chấn sản khoa do quá trình sinh đẻ. Thứ hai là tuổi tác. Tuổi càng cao thì nồng độ hoóc môn càng giảm, đặc biệt là estrogen. Bình thường estrogen có tác dụng làm tăng sinh niêm mạc niệu đạo, khi đó tạo sức căng bề mặt niệu đạo, làm áp lực niệu đạo cao, đóng mở hợp lý, phối hợp nhịp nhàng, nên rất ít người trẻ bị bệnh này. Tuổi cao, nồng độ estrogen giảm đi, tiền mãn kinh, mãn kinh kéo đến, lớp niêm mạc teo lép, mất sức căng mặt ngoài, áp lực trong niệu đạo thấp. Hai nguyên nhân đó làm xuất hiện tiểu không tự chủ khi gắng sức.

Các yếu tố nguy cơ của SUI bao gồm:

Phụ nữ sinh thường nhiều lần

Các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen xuyễn gây ho trong thời gian dài làm tăng áp lực trong ổ bụng.

Tiền mãn kinh hoặc mãn kinh

Béo phì, thừa cân,

Nghiện thuốc lá

Biểu hiện của bệnh

Những người đã bị bệnh này rất dễ nhận biết. Người bệnh tự nhiên đang đi bộ, cười, hắt hơi thì nước tiểu trào ra. Thậm chí có những người chỉ cần nghe thấy tiếng từ vòi nước chảy ra đã có thể són nước tiểu ra ngoài

Chẩn đoán bệnh

Đứng trước những than phiền của người bệnh về sự rò són nước tiểu không kiểm soát sau các động tác gắng sức như ho, chạy nhẩy, đi bộ… bác sỹ sẽ tiến hành làm các nghiệm pháp sau đây để chẩn đoán bệnh cho bạn.

Pad Test

Bạn sẽ được hướng dẫn đóng một băng vệ sinh sau đó tập thể dục để thoát nước tiểu ra ngoài. Sau khi băng vệ sinh ướt hết, sẽ lấy băng ra rồi đem lên cân tính trọng lượng của băng vệ sinh trước khi mặc và sau khi thay. Pad được cân nhắc đi nhắc lại nhiều lần để tìm ra lượng nước tiểu đã thoát ra là bao nhiêu.

Cough test

Làm nghiệm pháp gắng sức (cough test): Sau khi bạn đã nhịn tiểu, bàng quang căng nhưng không quá khó chịu, thực hiên ho nhiều lần ở tư thế nằm, nều không có són nước tiểu xuất hiện, cần khám thêm ở tư thế đứng với 2 đùi dạng nhẹ, một chân để trên bục.

Q-Test

Kiểm tra sự di động của cổ bàng quang và niệu đạo (Q- test): Đặt một tăm bông vào lỗ niệu đạo sau đó hương dẫn bệnh nhân ho mạnh, đo sự di chuyển của tăm bông.

 

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bệnh bao gồm

Uống lượng nước vừa phải, chủ động đi tiểu nhiều lần để giảm số lượng nước tiểu bị rò són, tránh các loại chất lỏng có ga

Bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, cà phê

Giảm cân

Luyện tập thư giãn các cơ vùng chậu hông: Tập bài tập Kegel có thể giúp kiểm soát rò són nước tiểu và làm cho cơ thắt trở nên khỏe hơn giúp kiểm soát tiểu tiện tốt hơn.

Phản hồi sinh học (Biofeedback) và bài tập tập thư giãn các cơ vùng chậu có thể giúp bạn tìm thấy những nhóm cơ chính xác để kiểm soát động tác tiểu tiện của cơ thể.

Dùng thuốc được chỉ định cho các trường hợp SUI nhẹ. Dùng các thuốc kháng cholinergic như thuốc chặn muscarinic receptors, thuốc kháng acetylcholin… Cũng có thể dùng các thuốc kích thích hệ alpha-adrenergic, hay các thuốc chống trầm cảm. Liệu pháp estrogen có thể được sử dụng để cải thiện số lần đi tiểu, tiểu gấp, và tình trạng bốc hoả trong những người phụ nữ đang trong thời kì tiền mãn hoặc đã mãn kinh. Nó cũng có thể cải thiện sự co thắt và tưới  máu của cơ thắt niệu đạo.

Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng sau khi đã luyện tập, dùng thuốc không có kết quả. Các phẫu thuật mới mang lại tính an toàn và hiệu quả cao như đặt dải băng treo âm đạo qua thành trước âm đạo theo phương pháp TOT hoặc TVT.

Tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phẫu thuật TOT (đặt dải băng treo thành trước âm đạo qua lỗ bịt) là một phẫu thuật được tiến hành thường qui để điều trị các trường hợp són tiểu khi gắng sức. Phẫu thuật này đã mang lại sự tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống và đồng thời cải thiện chất lượng cuộc quan hệ tình dục cho nhiều chị em phụ nữ cũng như đối tác của họ.

 

ThS.BS Nguyễn Hoài Bắc