Thời gian sống của bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến “phụ thuộc vào vị trí ung thư lan tới”

Tại Mỹ, ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý ung thư phổ biến thứ hai ở nam giới, sau ung thư da. Người ta ước tính có khoảng một phần bảy nam giới bị ung thư tiền liệt tuyến.

Nhưng may mắn rằng, ung thư tiền liệt tuyến có tiên lượng khá tốt. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) tỷ lệ sống tương đối 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến nói chung đạt gần 100%, 10 năm là 98% và 15 năm là 95%.

Tuy nhiên, tiên lượng này còn phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện ung thư tiền liệt tuyến. Với các giai đoạn tại chỗ và giai đoạn lan tràn khu vực, tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhân đạt gần 100%, nhưng giảm mạnh ở giai đoạn di căn xa (giai đoạn IV: di căn hạch bạch huyết xa, xương và các cơ quan khác) xuống còn 28%, theo số liệu của Viện Ung thư Hoa Kỳ (NCI)

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý thời gian sống của bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến có thể phụ thuộc vào vị trí trong cơ thể mà ung thư đã lan rộng, hoặc di căn. Tuy nhiên, theo Susan Halabi – Tiến sĩ, giáo sư thống kê sinh học tại Viện Ung thư Duck ở Durham, Bắc Carolina thì các nghiên cứu đó chứa một số lượng nhỏ các bệnh nhân có ung thư tiền liệt tuyến di căn, dẫn đến khó trong việc đưa ra một kết luận vững chắc.

Trong nghiên cứu mới, Halabi và các cộng sự đã phân tích các dữ liệu trong chín thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 liên quan đến 8.736 nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt di căn, tất cả đều đã được điều trị bằng hóa trị liệu.

Bệnh nhân được phân thành bốn nhóm dựa vào vị trí ung thư tiền liệt tuyến của họ đã lan tràn: chỉ di căn hạch, di căn phổi, di căn gan (không di căn phổi) và di căn xương (có hoặc không có các hạch bạch huyết và không có di căn đến các cơ quan khác).

Kết quả: Di căn xương hay gặp nhất, di căn gan có tiên lượng tồi nhất

Tỷ lệ di căn: gần 73% bệnh nhân đã có di căn xương, 8,6% có di căn gan, 9,1% đã có di căn phổi và 6,4% chỉ di căn đến các hạch bạch huyết.


Nhóm nghiên cứu nhận thấy thời gian sống của những người đàn ông rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của di căn ung thư tiền liệt tuyến:

Bệnh nhân mà ung thư chỉ di căn đến các hạch bạch huyết có thời gian sống trung bình dài nhất, 32 tháng, trong khi những bệnh nhân ung thư đã di căn đến gan đã sống trung bình ngắn nhất, 14 tháng.

Di căn xương được liên kết với một thời gian sống trung bình hơn 21 tháng, trong khi bệnh nhân có ung thư tuyến tiền liệt đã lan đến phổi có thời gian sống trung bình là 19 tháng.

Halabi cho biết, kết quả nghiên cứu có thể giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra các quyết định, và các phân nhóm tiên lượng có thể giúp ích cho các thử nghiệm lâm sàng. Bà cho biết thêm cần có những nghiên cứu để hiểu rõ làm thế nào và tại sao ung thư tiền liệt tuyến di căn đến các cơ quan khác nhau.

Bs. Bùi Cảnh Vin
Tổng hợp từ MedicalnewstodayCancer.org

(2016-12-31)

(2016-12-09)

(2016-11-22)

(2016-10-07)